Trước khi làm vua Nguyên_Nhân_Tông

Năm 1307, Nguyên Thành Tông bạo băng, cuộc chiến tranh giành ngôi vị nổ ra dữ dội. Dưới sự ủng hộ của Tả thừa tướng A Hốt Đài, Hoàng hậu Bốc Lỗ Hãn đòi lập A Nan Đáp lên ngôi nhưng bị nhiều người phản đối kịch liệt. A Nan Áp nắm tạm chính quyền trên danh nghĩa là giám quốc. Bát Đạt liên lạc với Hải Sơn về Đại Đô giành ngôi, nhưng Hải Sơn ở ngoài Mạc Bắc xa xôi nên Bát Đạt đã đến Đại Đô trước. Vài ngày sau ông xông vào hoàng cung, bắt giam A Nan Đáp và A Hốt Đài, sau hai tên này bị Hải Sơn xử tội chết. Bốc Lỗ Hãn bị tạm giam, sau cũng bị Hải Sơn đày ra Đông An ban chết vào tháng 5 năm 1307[3].

Năm 1307, Hải Sơn lên ngôi, tức Nguyên Vũ Tông. Vì Bát Đạt phò trợ lên ngôi Hoàng đế nên được Vũ Tông vô cùng yêu mến, phong làm Hoàng thái đệ kiêm chức trung thư lệnh. Trong thời gian Vũ Tông tại vị, Bát Đạt được phép can dự triều chính cùng Hoàng đế để bàn quốc gia đại sự[4]. Sự quyết đoán và thông minh của ông làm Vũ Tông và các triều thần phải khâm phục. Có những lúc Vũ Tông ham chơi, không màng chính sự, Bát Đạt không khuyên gián, nhưng vẫn giúp Hoàng đế cai trị đất nước ổn thỏa, nên Đại Nguyên vẫn hùng mạnh và thái bình[5]. Khi sứ giả của các nước đến chầu, Bát Đạt luôn cố gắng giữ thể diện cho mình và Hoàng đế nhà Nguyên trước mặt sứ giả. Biết Bát Đạt tài giỏi, Vũ Tông đã xác định ngôi vị Trữ quân cho em mình, nhưng buộc Bát Đạt cam kết sau khi qua đời phải truyền ngôi cho hậu duệ của Vũ Tông.

Năm 1311, Vũ Tông băng hà. Bát Đạt được phép đăng cơ, cho hoãn ngày chỉnh đốn lại đất nước trong vài tuần rồi mới lên lên ngai vàng, trở thành Nguyên Nhân Tông.